Truy cập nội dung luôn

Mạo danh điện lực, lừa cài ứng dụng theo dõi điện để chiếm đoạt tài sản

Hiện nay xuất hiện tình trạng giả danh nhân viên điện lực hướng dẫn cài đặt ứng dụng của ngành điện để người tiêu dùng thuận tiện theo dõi người dân cần cảnh giác.

Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, trong thời gian ngắn vừa qua thường xuyên có trường hợp khách hàng bị các đối tượng giả danh nhân viên điện lực lừa đảo tiền. Cụ thể các đối tượng giả danh nhân viên điện lực đã gọi điện yêu cầu khách hàng kết bạn qua Zalo và hướng dẫn cài đặt lại app điện lực giả để thanh toán tiền điện, đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng qua các đường link. Sự việc này đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tháng 4-2025, chị H. (quê Nghệ An) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là nhân viên điện lực thông báo việc gia chị đang nợ tiền điện, cần thanh toán gấp qua ứng dụng được gửi vào tài khoản Zalo, nếu không sẽ bị cắt điện. Lo ngại việc cắt điện ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như sinh hoạt của gia đình, chị H. đã đăng nhập vào liên kết mà đối tượng vừa gửi. Ngay lập tức, tài khoản ngân hàng của chị thông báo chị bị trừ 692 triệu đồng. Biết bị lừa, chị H. lập tức đến cơ quan Công an trình báo và nhờ đó đã thu hồi lại được số tiền bị lừa.

Tương tự, ông S. ở Bình Định nhận điện thoại từ người đàn ông tự giới thiệu tên là Nam tự xưng nhân viên điện lực, hướng dẫn cài đặt ứng dụng của ngành Điện để theo dõi chỉ số điện tiêu thụ của gia đình. Tin lời, ông S. làm theo hướng dẫn của đối tượng, kết nối với ứng dụng ngân hàng mà ông S. đang sử dụng và yêu cầu ông sao chép mã code được gửi đến tin nhắn Zalo để quét sinh trắc học nhằm kích hoạt ứng dụng theo dõi chỉ số điện. Sau khi thực hiện xong các thao tác trên thì tài khoản của ông S. bị "bốc hơi" hơn 100 triệu đồng.


Người dân cần cảnh giác trước những đối tượng giả danh nhân viên điện lực vì có thể mất sạch tiền trong tài khoản. Ảnh minh họa

Hay tại Đà Nẵng, anh T.S., cư trú tại quận Sơn Trà tá hỏa phát hiện toàn bộ số tiền trên 230 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị mất sạch chỉ sau vài thao tác khai báo đơn giản. Anh S. cho biết vào cuối tuần, trong lúc đang bận giải quyết công việc, anh nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu thanh toán tiền điện tháng 10. Do anh S. chưa thanh toán tiền điện, đối tượng này đã gợi ý anh kết bạn qua Zalo và gửi đường link cài app điện lực giả để thanh toán. Tin lời, anh S. cài app và nhập thông tin tài khoản ngân hàng của mình vào. Ngay sau khi hoàn tất khai báo, toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã bị mất.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn giả danh nhân viên ngành Điện (mặc quần áo màu cam, đội mũ nhựa có logo giống ngành Điện) đến các hộ gia đình sử dụng điện đề nghị vào kiểm tra thiết bị điện trong nhà, đề nghị điều chỉnh sai sót trong hóa đơn tiền điện, từ đó yêu cầu người dân phải trả tiền; làm giả website ngành Điện bằng cách tạo ra các trang web giả danh công ty điện lực, yêu cầu người dùng đăng nhập để kiểm tra thông tin hoặc thực hiện thanh toán tiền điện, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân và tiền trong tài khoản; gửi email giả mạo công ty điện lực, thông báo về hóa đơn điện tử, kèm theo đường link để thanh toán hoặc yêu cầu xác nhận thông tin; thông báo khuyến mãi và quà tặng, yêu cầu người dân phải trả một khoản phí để nhận quà…

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, tất cả các vụ lừa đảo giả danh nhân viên điện lực thực hiện các thủ đoạn lừa đảo như nêu trên không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho người dân mà còn gây hoang mang dư luận. Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh tỉnh với một số hình thức lừa đảo phổ biến nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của chính mình, tránh bị mắc bẫy kẻ gian.

Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi người dân sử dụng điện cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao độ, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Khi nhận được cuộc gọi yêu cầu thanh toán tiền điện, hãy nhanh chóng liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của điện lực theo từng khu vực để xác minh; không nhấn vào các liên kết lạ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc.